Bạn hãy mở lại tập tin fla chứa quả banh. Do hình ảnh quả banh được kéo dãn theo phương ngang hiển thị trong các khung 1-4, trong khi hình ảnh quả banh bình thường chỉ hiển thị trong một khung duy nhất (khung 5) nên bạn thấy không rõ lắm sự “phập phồng” của quả banh khi chạy hoạt cảnh.
Để mắt có thời gian nhận biết hình ảnh ở khung 5, bạn bấm-phải vào khung 10 trong thời tuyến, chọn mục Insert Frame. Thao tác này tạo thêm các khung 6-10 (hình 1). Đó là các khung thường nằm sau khung 5 (khung chốt) nên có nội dung giống hệt khung 5. Ở khung 10 có dấu chữ nhật màu trắng, đánh dấu sự kết thúc của một loạt khung giống nhau. Hoạt cảnh của bạn giờ đây có tất cả 10 khung. Bạn ấn Ctrl+Enter để xem thử nha.
Đóng cửa sổ trình diễn hoạt cảnh, bạn hãy lấy thêm một quả banh nữa từ thư viện. Cụ thể, bạn gõ phím F11 để mở bảng Library, trỏ vào mục Ball trong bảng đó (hoặc trỏ vào hình quả banh ngay trên mục Ball), kéo nó vào sân khấu. Bạn có ngay thể hiện thứ hai của nhân vật Ball trên sân khấu.
Nhìn vào thời tuyến, bạn thấy các khung 5-10 được tô đen. Đó là cách hiển thị nhắc bạn rằng quả banh thứ hai chỉ hiện diện trong các khung 5-10 giống nhau mà thôi. Thao tác tạo thêm quả banh ở khung 10 không có hiệu lực với loạt khung giống nhau 1-4. Ấn Ctrl+Enter, bạn thấy quả banh thứ hai chớp chớp vì nó không hiện diện trong các khung 1-4.
Để tạo được quả banh thứ hai hiện diện trong mọi khung của hoạt cảnh, không bị “cách trở” bởi sự hiện diện của các khung chốt, bạn cần có một lớp (layer) mới. Bạn ấn Ctrl+Z để hủy bỏ thao tác tạo quả banh thứ hai vừa thực hiện, bấm vào biểu tượng Insert Layer (góc dưới, bên trái bảng Timeline) để tạo thêm lớp mới mang tên Layer 2 nằm bên trên lớp Layer 1 có sẵn. Xong, bạn lại kéo quả banh từ thư viện vào sân khấu (hình 2). Ấn Ctrl+Enter, bạn thấy quả banh thứ hai không chớp chớp như trước nữa vì nó hiện diện trong mọi khung.
Việc giải quyết vấn đề nho nhỏ vừa đặt ra giúp bạn hiểu được cấu trúc lớp của Flash. Hoạt cảnh có thể gồm nhiều lớp chồng lên nhau. Mỗi lớp có những khung chốt riêng biệt.
Quả banh trong lớp Layer 2 hiện thời chưa “nhúc nhích” gì hết. Bạn có thể áp dụng kinh nghiệm từ quả banh thứ nhất cho quả banh thứ hai: đặt tên cho quả banh thứ hai là ball2, tạo khung chốt ở vị trí tùy ý trong thời tuyến của Layer 2 và ghi câu lệnh ActionScript ball2._xscale = … tại các khung chốt.
Tuy nhiên, đó là chuyện cũ, có lẽ không cần lặp lại. Bạn có thể đặt câu hỏi: “Nếu như có hàng chục quả banh trên sân khấu hoạt động gống nhau, lẽ nào cứ phải lập trình lần lượt cho từng quả banh?”. Trong trường hợp như vậy, bạn nên lập trình cho nhân vật trong thư viện thay vì lập trình cho từng thể hiện của nhân vật trên sân khấu. Nhờ vậy, mọi quả banh khi được đưa từ thư viện vào sân khấu đều tự biết “phập phồng”, không cần “chỉ dẫn” gì nữa.
Để thực hiện ý định vừa nêu, trước hết bạn xóa Layer 1 bằng cách chọn Layer 1 trong cửa sổ Timeline và bấm vào biểu tượng “thùng rác” . Làm như vậy nghĩa là xóa đi quả banh thứ nhất và mọi “diễn xuất” của nó, chỉ để lại quả banh thứ hai “chưa biết diễn xuất”.
Để lập trình cho nhân vật Ball, bạn bấm kép vào hình quả banh trong bảng Library. Sân khấu biến mất, thay vào đó là nhân vật Ball trên nền trắng. Mọi việc bạn sắp làm chỉ tác động vào nhân vật Ball. Tuy nhiên, nếu thấy nhân vật Ball đang ở trong tình trạng “được chọn” (trông mờ mờ), bạn bấm vào nền trắng để “thôi chọn”.
Bạn gõ phím F9 để mở bảng Actions, gõ câu lệnh cho khung 1:
1 |
_xscale = 200;
1 |
Khác với trước, trong câu lệnh vừa nêu ta không cần ghi tên của thể hiện nào cả vì ở đây câu lệnh được viết “bên trong” nhân vật Ball, Flash tự động hiểu rằng biến _xscale là thuộc tính của nhân vật Ball. Thời tuyến trong cửa sổ Timeline cũng là của riêng nhân vật Ball.
Như đã từng làm, bạn bấm-phải vào khung 5 trong thời tuyến, chọn Insert Keyframe, gõ câu lệnh trong bảng Actions:
1 |
_xscale = 100;
1 |
Bạn bấm-phải vào khung 10, chọn Insert Frame để chèn thêm các khung thường 6-10. Thao tác bạn vừa làm đã quy định xong hành vi của nhân vật.
Bạn chọn mục Scene 1 (trên bảng Timeline) để trở về với sân khấu. Đưa vào sân khấu thêm hai quả banh nữa từ thư viện và ấn Ctrl+Enter, bạn thấy cả ba quả banh đều phập phồng như nhau.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét